Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Dạy hát dân ca Xoan, Ghẹo cho học sinh

Dạy hát dân ca Xoan, Ghẹo cho học sinh
(GD&TĐ)- Ngành GD-ĐT TP.Việt Trì đã và đang nỗ lực đưa các làn điệu dân ca xoan, ghẹo vào giảng dạy trong các trường học và bước đầu đạt được những kết quả khả quan, góp phần không nhỏ vào định hướng các giá trị văn hóa tinh thần trong giới trẻ, trong đó có các làn điệu dân ca xoan, ghẹo.
Xoan, ghẹo là một loại hình diễn xướng văn hóa dân gian đặc sắc, ra đời và tồn tại hàng ngàn năm nay trong cộng đồng các làng xã vùng đất Tổ. Mới đây (ngày 24/11), UNESCO đã chính thức công nhận hát xoan Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới. Đây thực sự là niềm vui, niềm tự hào của Việt Nam.
Loại hình nghệ thuật sân đình xoan, ghẹo cần được bảo tồn trong tâm thức thế hệ trẻ. 
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, các cấp Ủy Đảng, Chính quyền cùng ngành giáo dục tỉnh Phú Thọ đã và đang nỗ lực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản hát Xoan, đưa loại hình nghệ thuật này giảng dạy trong trường học.
Nỗ lực dạy học sinh hát dân ca Xoan, Ghẹo
Trưởng phòng GD-ĐT TP.Việt Trì Trần Văn Đa cho biết: từ năm học 2009-2010, hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”- đưa các làn điệu dân ca, dân vũ vào dạy học trong trường học thì các làn điệu xoan, ghẹo đã được phòng GD-ĐT đưa vào giảng dạy tại một số trường học trên địa bàn thành phố. Việc này đã đem lại cho giáo viên một số kinh nghiệm khi giảng dạy các làn điệu hát xoan cho học sinh. 
Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT TP.Việt Trì đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, trang bị cho đội ngũ giáo viên âm nhạc có những kiến thức về các làn điệu dân ca xoan, ghẹo.
Các bài hát xoan được lồng ghép trong chương trình dạy âm nhạc của các khối lớp 3-5 bậc Tiểu học. Bước đầu cho thấy, học sinh tiếp thu rất nhanh các làn điệu dân ca này. Ở các lớp học được dạy xoan, mỗi học sinh đã có thể thuộc ít nhất từ 3-4 làn điệu hát xoan. 
Các câu lạc bộ hát dân ca của Thành phố và một số trường học cũng được thành lập, tham gia biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị, xã hội của nhà trường, của địa phương. Tổ chức tuyên truyền những làn điệu dân ca, dân vũ của Phú Thọ tới đội ngũ giáo viên và các em học sinh.
Nhờ các lớp tập huấn, giáo viên tham gia có thể tham mưu cho BGH trường mình xây dựng kế hoạch, triển khai việc phổ biến các làn điệu dân ca và các bài hát viết về Thành phố cho giáo viên và học sinh trường mình. Qua đó, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, biết giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của miền quê đất tổ Hùng Vương.
Mới đây nhất, phòng GD-ĐT TP. Việt Trì đã mời các nghệ nhân làng Xoan An Thái, Phượng Lâu, Thành phố Việt Trì tập huấn cho các giáo viên âm nhạc cốt cán của 79 trường Mầm non, Tiểu học và THCS trên địa bàn với nhiều làn điệu, ca khúc. Trong đó, có 14 bài dân ca Xoan; 10 bài dân ca Ghẹo; 4 bài dân ca Việt Trì; 2 bài dân ca phát triển và nhiều ca khúc viết về Thành phố.
Cũng theo trưởng phòng giáo dục Trần Văn Đa: thông qua lớp tập huấn, các giáo viên am hiểu về các làn điệu dân ca, dân vũ bản địa hơn, biết hát đúng điệu các bài xoan, ghẹo. Để từ đó truyền đam mê của mình đến học sinh, khuyến khích các em học hát dân ca xoan, ghẹo.
Chính vì vậy, phong trào dạy hát xoan trong các nhà trường đã có sự chuyển biến đậm nét. Các CLB xoan nở rộ, chất lượng các tiết mục dân ca xoan ghẹo được nâng cao rõ rệt.
Các em học sinh đang được nghe các nghệ nhân hát xoan
Đơn cử, tại liên hoan hát Xoan toàn tỉnh lần thứ Nhất ra đầu năm 2010, CLB hát xoan của Phòng GD-ĐT TP. Việt Trì đã 1 giải Nhất với "Liên khúc xoan cổ", 1 giải Nhì với tiết mục "trồng nhiều chuối ngọt, chè thơm"... Trong "Liên hoan tiếng hát cán bộ- giáo viên ngành Giáo dục toàn tỉnh năm 2011" cũng đã có một tiết mục hát xoan của CLB giành giải Nhất liên hoan.
Những khó khăn nhất định
Phú Thọ là vùng đất cổ, cái nôi của nền văn hoá Lạc Việt, trung tâm sinh tụ của người Việt cổ thời các Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Nơi đây còn tồn tại và lưu giữ rất nhiều di sản văn hoá gắn với thời đại các Vua Hùng và gắn với các di sản văn hoá vật thể là văn hoá phi vật thể chứa đựng nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ mang đậm bản sắc dân tộc như: Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, Lễ hội Trò Trám, Hội Phết Hiền Quan, Hội Rước Chúa gái, Hội Bơi trải, Hội Hát Xoan, hát ghẹo, hát Trống quân… 
Việc đưa các làn điệu xoan, ghẹo cũng như các làn điệu dân ca, dân vũ khác vào giảng dạy trong các trường học sẽ giúp học sinh nhận ra được những giá trị văn hóa, tinh thần vô cùng to lớn kết tinh trong các làn điệu dân ca, dân vũ; từ chỗ hiểu được các giá trị của xoan, ghẹo, học sinh biết trân trọng, yêu quý các giá trị của những làn điệu dân ca này. Qua đó ý thức, trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn các làn điệu xoan, ghẹo và các làn điệu dân ca, dân vũ khác của thế hệ trẻ được nâng lên.
Tuy nhiên, theo ông Đa thì: sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và nhiều loại hình vui chơi giải trí hiện nay là một thách thức lớn đối với việc bảo tồn nghệ thuật hát xoan trong cộng đồng nói chung và giới trẻ nói riêng.
Trên thực tế triển khai, việc đưa xoan, ghẹo vào giảng dạy gặp nhiều trở ngại. Theo hiệu trưởng trường THCS Thọ Sơn Hoàng Tuyết Hương thì thách thức lớn nhất đó chính là bản thân các giáo viên. 
Bởi xoan, ghẹo là các làn điệu dân ca cổ nên không phải giáo viên nào cũng am hiểu. Hơn thế nữa, diễn xướng các làn điệu này rất khó, trong khi đó, đa phần giáo viên không có năng khiếu diễn xoan cổ. Đa phần các làn điệu xoan, ghẹo hiện đang giảng dạy cho học sinh đều là xoan ghẹo phát triển, cách tân có hòa nhạc.
Số lượng giáo viên âm nhạc trong các trường hiện nay vốn đã rất hạn chế về số lượng. Để dạy được xoan, ghẹo, các giáo viên này phải qua tập huấn diễn xoan. Thêm vào đó, họ phải đầu tư thời gian và công sức tự mày mò tìm hiểu để hiểu và diễn được xoan, dạy được xoan cho học sinh.
Các trường học không thể có đủ điều kiện để mời các nghệ nhân xoan ghẹo thường xuyên giảng tại nhà trường. Do vậy phải đào tạo đội ngũ giáo viên. Việc được tiếp xúc nhiều hơn, thường xuyên hơn với các nghệ nhân xoan, ghẹo và tham gia các buổi sinh hoạt chuyên môn, liên hoan về xoan, ghẹo là những dịp hết sức cần thiết để cho các giáo viên âm nhạc ở đây nâng cao trình độ và khả năng diễn xướng.
Từ chỗ chỉ đưa các làn điệu xoan, ghẹo vào giảng dạy ở Tiểu học, năm học 2011-2012, ngành giáo dục TP.Việt Trì đã mạnh dạn đưa vào giảng dạy ở tất cả các trường có điều kiện dạy hát xoan ở bậc học Phổ thông.
Bà Hoàng Tuyết Hương chia sẻ quan điểm: “Là những học sinh trên quê hương đất Tổ, học sinh phải được trang bị những kiến thức cơ bản nhất của địa phương cũng như các giá trị văn hóa truyền thống khác như dân ca xoan, ghẹo để các em có ý thức giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có xoan, ghẹo"
Bá Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét