Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

Thắm tình hai chữ tri ân

Có một chuyện được nghe mẹ kể thuở ấu thơ, tôi nhớ mãi đến giờ, chuyện liên quan đến người thầy muôn vàn đáng kính Chu Văn An. Lúc làm quan, Chu Văn An dũng cảm dâng “Thất trảm sớ”, đề nghị vua chém đầu bảy tên gian thần đang lũng đoạn triều chính. Vua không nghe, ông từ quan về dạy học. Kính thầy về đức, phục thầy về tài, học trò xin theo học rất đông. Các buổi bình văn, giảng sách, sân nhà thầy khá rộng mà không đủ chỗ cho người nghe.
Trong đám học trò, thầy Chu chú ý đến một người: anh thanh niên khôi ngô tuấn tú nhưng lặng lẽ ít nói bao giờ cũng đến rất sớm, chăm chú lắng nghe và ghi chép như nuốt từng lời thầy giảng. Khi buổi bình văn chấm dứt, anh lại là người đầu tiên đứng lên, vòng tay cúi đầu kính cẩn chào thầy rồi nhẹ nhàng ý tứ ra về. Người nhà cho thầy biết, ra đến cửa, anh đi thẳng về phía sông, rồi loáng một cái đã không thấy anh đâu nữa. Thầy đoán, đây không phải là người trần tục bình thường.
Thế rồi đến một kỳ trời làm hạn hán. Ruộng đồng khô cháy, giếng sông cạn đến đáy, nước uống cho người còn không đủ, lấy đâu ra nước để cày cấy. Nạn đói đã hiện hình. Thương và lo cho dân quá, một hôm sau buổi học, thầy Chu đã bảo anh học trò đặc biệt kia ở lại để thầy nói chuyện. Lúc chỉ còn hai người với nhau, thầy ôn tồn nói: “Thầy biết con không phải phàm nhân. Như con đã thấy, vụ mùa năm nay chắc sẽ mất, dân sẽ chết đói. Thầy bất lực, vì thế rất muốn con ra tay để cứu dân thoát được đại nạn này”.


Người học trò lặng đi trong một vài phút rồi từ tốn cúi đầu xin vâng. Anh đổ nước lạnh vào một cái đĩa lớn rồi mài hết cả một thỏi mực đen. Bê đĩa nước mực ra đứng giữa sân, anh nhìn lên trời lúc ấy như đang đổ lửa. Anh lẩm nhẩm nói gì không rõ hồi lâu, rồi ngửa cổ ngậm từng ngụm to nước mực và phun lên trời. Kỳ lạ thay, từ cuối chân trời, mây đen ùn ùn kéo tới, gió càng lúc càng mạnh hơn rồi mưa rơi rất nặng hạt trên cả một vùng rộng lớn. Chỉ có điều, nước mưa không trong mà đen như mực tàu.
Anh học trò vẫn đứng lặng dưới mưa. Một tiếng sấm ầm vang như làm vỡ cả đất trời. Một tia chớp xanh lè từ trên cao đánh vút đến anh. Thầy Chu chỉ còn nghe mấy tiếng, thiết tha và cảm động: “Con xin vĩnh biệt thầy”. Trời tạnh, đồng ruộng đầy ắp nước nhưng nhìn ra sân, thầy quặn lòng khi thấy xác một con thuồng luồng. Người học trò đặc biệt ấy - một thần thuồng luồng - đã vì thầy mà dám cưỡng lại cả ý trời, tạo ra một trận mưa hiếm và quý. Anh đã bị trời trừng phạt.
Lúc còn thơ dại, tôi thích câu chuyện này vì nó ly kỳ huyền hoặc quá. Lớn lên, già đi, tất nhiên tôi - cũng như bất cứ ai biết đến truyền thuyết “Thần thuồng luồng” kể ở trên, đều cảm nhận khác đi. Một cái chết thật buồn (có cái chết nào chẳng buồn?) nhưng thật đẹp. Cảm thông sâu sắc với nỗi bức xúc cao đẹp của người thầy đáng kính, anh biết sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình nhưng vẫn tạo ra trận mưa cơm mưa gạo để thầy tròn được tâm nguyện cứu nhân độ thế.
Liệu non hai trăm quốc gia trên địa cầu mông mênh này, ở đâu có được hình tượng thầy trò sóng đôi tuyệt vời như trong câu chuyện của 700 năm xa xưa? Truyền thống của dân tộc Việt thật đẹp: thầy ra thầy, trò ra trò. Thầy luôn sống vì đạo lý lớn, không màng công danh phú quý mà chỉ tâm niệm sao cho ích quốc lợi dân. Hiểu được lòng thầy, quý trọng nhân cách cao vời của thầy, để tri ân thầy, trò sẵn sàng đáp ứng những đề nghị của thầy, dù nguy hiểm đến mấy cũng không từ nan.
Cuộc sống hôm nay đã khác so với thời thầy Chu Văn An. Cách mạng khoa học kỹ thuật đã đem lại cho thanh thiếu niên và con người nói chung nhiều thứ, nhiều cách làm giàu cho sự hiểu biết. Vai trò “ông thầy” không giữ vị trí quan trọng tuyệt đối như xưa. Thế nhưng, để xây đắp cuộc sống hôm nay và tạo dựng một tương lai thực sự tốt đẹp cho dân tộc, vai trò người kỹ sư tâm hồn - như chữ dùng của Bác Hồ - vĩnh viễn không thể thiếu. Không có họ - một lực lượng đông tới hàng triệu người - nguy cơ tụt hậu của đất nước sẽ trở thành thực trạng. Các thế hệ thanh thiếu niên sẽ bị “robot hóa”, ngày càng lạnh lùng vô cảm.
Tưởng tượng ra như thế, mới thấy quyết sách “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” cần thiết biết nhường nào. Nếu hỏi, bất cứ ai trong ngành giáo dục đều có một ước mơ cháy bỏng: nước mình, từ đỉnh cao Lũng Cú tới đất mũi Cà Mau trường ngày càng ra trường, lớp càng ra lớp, đàng hoàng to đẹp hơn; việc học hành thi cử được cải thiện, hợp lý hóa; người đứng trên bục giảng không còn bị nợ áo cơm ghì sát đất; bản thân mỗi người mong muốn được không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực để có thể làm tốt sứ mệnh “trồng người” như Bác Hồ thường xuyên căn dặn, động viên. Những ước mơ thật hợp tình, hợp lý nhưng ngẫm ra không dễ có thể sớm hiện thực hóa.
Xin được nói thêm một điều kiện cần và đủ: các cấp có trách nhiệm nên sớm bắt tay vào việc nâng cấp truyền thống tôn sư trọng đạo của tổ tiên. Vì một lý do đơn giản như đã nói ở trên: không có người thầy - những người lao động bình dị như mọi người - đất nước này sẽ không có hiện tại sáng sủa và cũng chẳng có tương lai huy hoàng, “sánh vai với bè bạn cường quốc năm châu”.
Thực sự bắt tay vào việc, chứ không chỉ khẳng định trên lý thuyết. Hệ thống các trường sư phạm cần được tái cấu trúc, không thể để xộc xệch như hiện nay. Việc bồi dưỡng, đào tạo lại cho hàng triệu thầy cô đang hành nghề cần được sớm xúc tiến một cách quy mô. Công việc nghiên cứu khoa học giáo dục nhất thiết không thể để èo uột có mà như không có. Người thầy phải được thực lòng tôn trọng và tạo điều kiện để họ có thể sống được bằng lương.
Suy cho cùng, đối xử tốt với người thầy là sự tri ân cần thiết của toàn xã hội, một cách ứng xử hợp với đạo lý Việt Nam. Có thể xác quyết: một khi được thực sự trân trọng, tin cậy, hơn một triệu thầy cô giáo của chúng ta sẽ đền đáp xứng đáng, bằng mồ hôi và chất xám, bằng sự tận tụy hết lòng, để tri ân lại nhân dân.
Trần Hữu Tá

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét